Những lưu ý trong trong chăm sóc, điều trị và dự phòng mụn bọc:

Để đạt hiệu quả điều trị là cao nhất thì các bạn cũng nên lưu ý một số việc như sau.

  • Chăm sóc, vệ sinh da sạch sẽ:

Bước làm sạch da chiếm vai trò hết sức quan trọng trong quy trình chăm sóc da hàng ngày, giúp cho các lỗ chân lông được thông thoáng, làm sạch dầu và bã nhờn dư thừa. Ngoài ra các bạn cũng cần kết hợp với việc tẩy da chết 2 lần một tuần để loại bỏ các tế bào chết tích tụ ở lớp sừng trên da. Lưu ý không nên đưa tay lên mặt, không sờ và nặn mụn vì những hành động đó sẽ có nguy cơ khiến cho các nốt mụn bị vỡ, hoặc chai thâm, khó điều trị.

  • Sử dụng kem chống nắng khi đi ra ngoài:

Kem chống nắng giúp bảo vệ da dưới tác hại của ánh nắng mặt trời, và đặc biệt cần thiết đối với những làn da đang trong quá trình điều trị. Dù các bạn có chăm sóc da kỹ đến đâu mà không sử dụng kem chống nắng khi ra ngoài trời thì mọi loại thuốc đều không có tác dụng. 

Không tự ý sử dụng các sản phẩm điều trị khác ngoài phác đồ điều trị, đặc biệt là các sản phẩm không rõ nguồn gốc bán trên mạng. Những sản phẩm này có thể mang lại hiệu quả nhanh chóng, nhưng khi bạn dừng sử dụng hoặc sử dụng quá lâu sẽ khiến da bị yếu, nổi mụn nhiều hơn và dễ bị viêm nhiễm nặng hơn.

  • Giờ giấc sinh hoạt khoa học, chế độ ăn lành mạnh

 Cân bằng thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi để cơ thể không quá bị mệt mỏi. Cũng cần tập thể dục thường xuyên để cơ thể giảm căng thẳng, bài tiết mồ hôi, giảm độc tố. 

Chế độ ăn nhiều rau xanh, bổ sung các loại vitamin như A, C, E... và các chất khoáng. Hạn chế ăn đồ cay nóng, dầu mỡ, đồ rán, chất kích thích như rượu bia,... Bạn cũng cần hạn chế ăn những loại đồ ngọt như bánh kẹo, nước ngọt,...Bạn cũng đừng quên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để giúp tăng tuần hoàn máu đến gan đào thải độc tố, tăng cấp ẩm cho da, đẩy nhanh quá trình lành mụn.

Một số câu hỏi thường gặp:

    Bị mụn bọc có để lại sẹo không?

Mụn bọc nếu không được điều trị đúng cách sẽ có nguy cơ cao để lại sẹo thâm hoặc sẹo rỗ. Đây là các loại sẹo cứng đầu khó điều trị. Nguyên nhân của tình trạng này là do khi mụn mới hình thành, nếu không phát hiện được sớm, vô tình là tình trạng mụn nặng hơn. Dẫn đến hậu quả làm các tế bào xung quanh mụn và dưới da bị ảnh hưởng. Sau khi điều trị khỏi sẽ để lại những vết sẹo thâm và khó mờ, khiến cho da không đều màu. Ngoài ra nếu bạn tự ý nặn mụn khi mụn đang trong giai đoạn viêm, sẽ khiến cho tình trạng mụn trở nên tồi tệ hơn, lan sang vùng da lành, tăng nguy cơ hình thành sẹo rỗ và tổn thương phức tạp hơn.

 

    Mụn bọc có tự hết không? Có nên nặn mụn bọc không?

Theo các chuyên gia da liễu, mụn bọc sẽ không thể tự khỏi mà cần phải có sự can thiệp điều trị bằng cách sử dụng các thuốc trị mụn và lấy đi nhân mụn. Do vậy khi bị mụn bọc, để việc điều trị nhanh đạt hiệu quả thì các bạn cần nặn mụn để loại bỏ đi nhân mụn ra khỏi bề mặt da. Việc này sẽ giúp cho làn da của các bạn nhanh lành hơn và láng mịn hơn.

Tuy nhiên các bạn cũng không nên tự ý nặn mụn tại nhà, đặc biệt là với các trường hợp mụn bọc. Vì mụn bọc là mụn viêm, dễ bị nhiễm trùng và để lại sẹo. Khi nặn không cẩn thận hay không đảm bảo vệ sinh sẽ làm cho dịch máu và mủ chảy ra và lan sang vùng da lành, gây viêm nhiễm vùng mụn. Hoặc khi nặn mụn quá sớm sẽ gây tổn thương sâu tới lớp da, làm tăng nguy cơ hình thành sẹo rỗ. Do vậy để đảm bảo an toàn khi nặn mụn, thì các bạn nên tới các phòng khám da liễu hoặc spa để được vệ sinh da và nặn mụn đúng cách, đúng quy trình.

Thời điểm nặn mụn thích hợp nhất là khi mụn đã giảm viêm và chuyển sang giai đoạn hình thành cồi nhân mụn. Khi đó sẽ không còn sợ nguy cơ viêm nhiễm tăng và cũng dễ dàng loại bỏ được hết nhân mụn bên trong hơn.

     Mụn bọc có lây không?

Mụn bọc thường xuất hiện là do sự phát triển và tấn công của vi khuẩn P.acnes trong các lỗ chân lông bị bít tắc. Mụn bọc không phải một bệnh truyền nhiễm nên không có sự lây lan từ người này sang người khác. Mụn xuất hiện là do các yếu tố nguy cơ xung quanh bạn như thói quen vệ sinh da mặt không sạch sẽ, chế độ ăn uống, sinh hoạt chưa khoa học, hay do tình trạng rối loạn các nội tiết tố trong cơ thể... Có trường hợp nhiều thành viên trong một gia đình đều bị tình trạng mụn bọc nghiêm trọng. Lý giải cho điều này là do yếu tố di truyền, và trong những trường hợp này nguyên nhân gây mụn thường là do yếu tố nội tiết.

     Mụn bọc có nên xông mặt không?

Xông mặt là một phương pháp rất được nhiều người ưa chuộng. Hơi nóng của nước sẽ giúp làm giãn và mở rộng và giải phóng lượng dầu thừa, bụi bẩn bít tắc tại các nang chân lông. Ngoài ra xông hơi còn giúp mở rộng lỗ chân lông, giúp cho việc nặn mụn có thể thực hiện dễ dàng hơn. Vì vậy khi bị mụn bọc các bạn vẫn có thể xông mặt. Nhưng cần lưu ý chỉ nên thực hiện phương pháp này 2 lần 1 tuần, cần vệ sinh da mặt sạch trước khi xông và sau khi xông cần rửa mặt lại bằng nước lạnh, hoặc dùng đá chườm.

 

Trên đây là một số thông tin về tình trạng mụn bọc. Hy vọng bài viết này sẽ mang lại cho các bạn những thông tin hữu ích để có thể nhận biết, điều trị cũng như dự phòng được tình trạng mụn bọc hiệu quả nhất. Chúc các bạn luôn có một làn da khỏe mạnh.

Nguồn: Bệnh viện đông sơn.